(028) 3811 4792  (028) 3811 4793  0902 623 538  0916 961 519  0909 539 958    tamepco@gmail.com   | Ngôn ngữ:   tmp_image.png   tmp_image.png

TAMEPCO

CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÂN PHÚ

50/30 Gò Dầu, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú, TP.HCM

TỰ HÀO LÀ THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM

google+ button google+ button google+ button google+ button
TIN TỨC

Hóa giải “nút thắt” cho công nghiệp hỗ trợ.

2016-08-10 09:05:53

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xác định là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, tăng tính chủ động cho nền kinh tế và thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT. Điều này khẳng định tầm quan trọng của ngành CNHT đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

 

Công nghiệp hỗ trợ là ngành xương sống của nền công nghiệp Việt Nam

         Ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

         Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), CNHT được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. CNHT không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ”, đây là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển, bởi CNHT quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm

         Bàn về phát triển CNHT, Viện Chính sách chiến lược (Bộ Công Thương) cũng khẳng định vai trò quan trọng của phát triển CNHT. Cụ thể nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực CNHT”. Gần đây nhất là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT... Theo đó, hệ thống chính sách khuyến khích của nhà nước về phát triển CNHT đã khá đồng bộ và có rất nhiều ưu đãi vượt trội.

        Bộ Công Thương đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thành lập Hiệp hội CNHT; Hiệp hội các DN sản xuất Liên kết phụ tùng ôtô (VAPMA)... nhằm tạo mối liên kết giữa các DN.

         Để khuyến khích ngành CNHT phát triển, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - cho biết, đặc biệt đối với Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi doanh nghiệp (DN) CNHT như: Miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu; nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và phát triển... Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT.

         Tập trung phát triển hạ tầng

         Trên thực tế, để phát triển ngành CNHT, phải có những điều cần và đủ, hết sức thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đó là các giải pháp về hạ tầng, nguồn vốn, cơ chế chính sách ưu đãi, đầu vào - đầu ra sản phẩm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu ứng dụng đến sản xuất.

         Theo nhiều chuyên gia, việc thành lập các trung tâm phát triển CNHT là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, cần quy hoạch cụ thể sẽ phát triển ở đâu? Khu vực trọng điểm trung tâm kinh tế nào? Mỗi vùng phát triển ngành CNHT gì?. Theo đó, với các điều kiện cần và đủ để phát triển ngành CNHT như đã nêu trên, thì giai đoạn 1 nên tập trung phát triển ở một số vùng kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan chủ quản nhà nước, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính - ngân hàng… mới đủ điều kiện để vận hành và đưa các trung tâm phát triển CNHT hoạt động hiệu quả. Từ đó, sẽ thúc đẩy, hóa giải các “nút thắt” khó khăn cơ bản của các DN ngành CNHT tại Việt Nam.

         Đơn cử như Hà Nội đã đầu tư KCN Nam Hà Nội (Hanssip) nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các DN CNHT. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành khoảng 90 ha, đủ điều kiện tiếp đón các DN đầu tư tham gia sản xuất. Hanssip được quy hoạch 640 ha (định hướng mở rộng lên 2.000 ha), nằm trên trục quốc lộ 1B - Cầu Giẽ - cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Hanssip là động lực quan trọng thúc đẩy ngành CNHT Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và Việt Nam. Mặt khác, Hanssip được quy hoạch thiết kế bởi Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản) để thúc đẩy hình thành đô thị vệ tinh CNHT Phú Xuyên phía Nam Hà Nội.

         Nhiều cơ hội bứt phá

         Cùng với những ưu đãi của chính sách trong nước, ngành CNHT đang có nhiều cơ hội phát triển khi tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 16 FTA, trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các DN CNHT đang rất kỳ vọng vào những FTA này bởi các cam kết chặt chẽ trong các FTA là động lực thúc đẩy ngành CNHT phát triển và cũng là cơ hội để các DN CNHT Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất.

         Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - trong thời gian tới, thị trường rộng lớn của các FTA chính là bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng cao và tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNHT. Bên cạnh đó, đại diện Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh, các FTA thế hệ mới sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, đồng thời giúp ngành CNHT dịch chuyển lên các khâu có giá trị gia tăng cao hơn.

         Thừa nhận các FTA là đòn bẩy để Việt Nam đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa đất nước, thậm chí có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới, tuy nhiên, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội - nhấn mạnh, để hiện thực hóa các cơ hội này, điều kiện đủ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành CNHT. “Theo đó, Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích từ các FTA khi xây dựng thành công ngành CNHT” - ông Nguyễn Hoàng khẳng định.

         CNHT được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp các phụ tùng, linh kiện và các quy trình xử lý kỹ thuật. Việc chủ động được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối, giảm sức ép lên cán cân thanh toán, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo Lan Anh http://baocongthuong.com.vn